Nhiều hộ nông dân ở Đắk Ha dần thoát nghèo
Nghệ bọ cạp là loại cây đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ nông dân ở Đắk Ha dần thoát nghèo. Trong đó, phải kể tới hiệu quả từ mô hình trồng nghệ bọ cạp của HTX dược liệu An Phúc Khang ở thôn 8, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, Đắk Nông. HTX thành lập năm 2018, với 12 thành viên.
Ông Nguyễn Đình Học, đại diện HTX dược liệu An Phúc Khang kể, năm 2019, lương y Nguyễn Thị Đường (Phòng thuốc đông y Thảo Nguyên Đường ở thôn 7, xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong) mua cây giống nghệ bọ cạp từ Campuchia về đây, liên kết với HTX trồng. Lúc đó, giá 1kg giống tới 400 ngàn đồng.
Thời điểm hiện nay, giá nghệ giống chỉ còn 200 ngàn đồng/kg. Mỗi ha trồng từ 4 - 5 tạ nghệ giống, tuỳ người trồng thưa hay dày. Như vậy, chi phí giống từ 80 - 100 triệu đồng. "Đây là chi phí hơi cao đối với nông dân nghèo, nhưng sau khi trồng, cây này lại ít tốn chi phí, vì không cần chăm bón nhiều”, ông Học nói.
Theo ông Học, chi phí cho 1ha nghệ bọ cạp khoảng 300 triệu đồng, gồm chi phí giống và toàn bộ quá trình chăm sóc. Sau khi trồng từ 18 - 20 tháng mới thu hoạch, sản lượng đạt từ 15 - 20 tấn/ha. Toàn bộ sản phẩm nghệ bọ cạp mà bà con trồng được HTX An Phúc Khang bao tiêu, thu mua với giá 50 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ các chi phí, còn lãi từ 500 - 700 triệu đồng/ha.
Chị H’Ang, một người dân trên địa bàn Đắk Ha cho biết, cách đây ít năm, gia đình chị được tìm hiểu về giống nghệ bọ cạp. Sau khi mua giống, chị đưa về trồng vào các phần đất trống xen trong rẫy cà phê. Sau khoảng 1 năm rưỡi, chị thu hoạch nghệ, đóng thành từng bịch 10 kg để bán cho HTX, với giá 50.000 đồng/kg.
Chị H’Ang là một trong số nhiều hộ dân ở Đắk Ha trồng nghệ bọ cạp xen trong rẫy. Hầu hết các gia đình này mua giống của HTX Dược liệu An Phúc Khang và được cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra. Đến vụ thu hoạch, họ tự đưa nghệ đến HTX để bán.
Cũng theo ông Học, nghệ bọ cạp phù hợp với loại đất pha cát, đất thịt nhẹ và đất rừng, nhiệt độ thích hợp từ 20 - 30 độ C, chỉ cần chú ý hệ thống thoát nước để tránh hư, thối củ. Theo kết quả phân tích của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nghệ bọ cạp chứa 38 thành phần dược tính, trong đó có 3 thành phần quan trọng chống ung thư và ức chế sự phát triển tế bào ung thư, đặc biệt tác dụng trong điều trị ung thư vú, tử cung, gan, vòm họng, thực quản và phế quản. Các sản phẩm từ nghệ được dùng điều trị các bệnh thông thường như viêm đường hô hấp, phế quản, hen suyễn, dạ dày và sát khuẩn…
200 triệu đồng/lít tinh dầu
Đặc biệt, từ khi ra đời, HTX dược liệu An Phúc Khang đã mở rộng vùng trồng nguyên liệu trong và ngoài tỉnh lên đến cả trăm ha và tạo ra việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. HTX An Phúc Khang đang có hàng chục sản phẩm, như bột nghệ bọ cạp, bột nghệ tím, tinh bột nghệ vàng, tinh bột nghệ đỏ… Trong số này, tinh dầu nghệ bọ cạp là sản phẩm có giá trị cao nhất, lọ 10ml đã có giá tới 2 triệu đồng, tức 200 triệu đồng/lít.
“Đây là sản phẩm độc quyền của HTX, hiện một số nơi đã trồng và chế biến nghệ bọ cạp, nhưng đa số vẫn là sản phẩm thô như bột, trà, chứ chưa ai chiết xuất được tinh dầu”, ông Nguyễn Đình Học, đại diện HTX An Phúc Khang thông tin.
Ông Học cho biết, sở dĩ tinh dầu nghệ bọ cạp có giá cao vì ngoài chất lượng thì để cho ra một lọ tinh dầu 10ml không hề đơn giản, phải qua rất nhiều công đoạn, chi phí như rửa sạch, làm khô, xay nhuyễn, rồi mới cho vào lò chưng cất áp suất cao để nấu liên tục trong 10 tiếng".
Được biết, ngoài nghệ bọ cạp, HTX An Phúc Khang còn sản xuất, chế biến hàng chục loại dược liệu khác. Các nguyên liệu dược liệu này ngoài thu mua từ người dân thu hái từ môi trường tự nhiên như rừng, rẫy, HTX còn ươm, trồng trên hàng chục ha đất của HTX, của hộ dân liên kết.
Nhờ nhận được hỗ trợ về chính sách, kinh phí, máy móc của Nhà nước, HTX An Phúc Khang đã đầu tư để chế biến sâu các sản phẩm dược liệu. Hiện, HTX đang ươm cả trăm giống dược liệu trong vườn để thử nghiệm tính tương thích với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương. Không chỉ tạo thêm hàng trăm việc làm, mà còn giúp người dân địa phương tăng thu nhập.
Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Ha Hoàng Văn Đồng cho biết, thời gian qua, nhiều đơn vị, cá nhân trên địa bàn đã thử nghiệm trồng các loại cây dược liệu và đạt được kết quả khá tích cực, trong đó có HTX dược liệu An Phúc Khang.
Một số đơn vị còn đầu tư máy móc, nhà xưởng, công nghệ để chế biến dược liệu, qua đó tạo việc làm cho lao động tại chỗ. Dược liệu đang mở ra một hướng phát triển kinh tế mới tại địa phương.
Theo UBND huyện Đắk Glong, địa phương có nhiều thế mạnh để phát triển dược liệu, đặc biệt là dược liệu dưới tán rừng. Ngoài Đắk Ha, nhiều đơn vị, cá nhân, HTX tại xã Quảng Sơn cũng đã phát triển dược liệu và nhận được những tín hiệu vui. Thời gian tới, nếu được đầu tư bài bản, tạo được chuỗi liên kết, dược liệu có thể "đánh thức" tiềm năng, thế mạnh đất đai, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Thy Lê