"[Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam] – Trong tình hình giá thức ăn chăn nuôi đắt đỏ, việc sử dụng Keo giậu bổ sung protein và Beta-carotene vào khẩu phần vật nuôi là điều có ý nghĩa. Tuy nhiên, nếu biết được những yếu tố hạn chế tồn tại trong thực liệu này, người chăn nuôi sẽ có biện pháp xử lý thích hợp, mang lại hiệu quả cao hơn.
Tổng quát
Keo giậu (Leucaena leucocephala) (tên khác: táo nhơn, bọ chét, bình linh, keo giun, lamtoro . . .). Đây là loài cây gỗ nhỏ (tại Việt Nam thường được trồng làm hàng rào nên gọi là keo giậu). Nó thuộc chi Keo giậu (Leucaena), phân họ Trinh nữ (Mimosoideae), bộ Đậu (Fabales), sinh trưởng ở vùng nhiệt đới. Có đến 55 loài keo được biết, nhưng Leucaena leucocephala (Lam. de Wit) được khai thác nhiều hơn cả.
Cây này xuất xứ từ Nam Mexico và Bắc phần Trung Mỹ, ngày nay đã phổ biến ở nhiều vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới. Trong những năm 1970–1980, cây này được mệnh danh là “cây thần kỳ” vì nó đa dụng: làm củi, lấy gỗ, làm thức ăn xanh hoặc khô cho gia súc, làm phân xanh, làm cây bóng mát, chống xói mòn và cố định đạm cho đất (nốt sần cố định đạm nằm hai bên các rễ con gần mặt đất). Nhờ cộng sinh với vi khuẩn Rhizobia, cây có thể cố định 500 kg đạm/ha/năm. Nhưng có nơi, chúng được xếp vào nhóm 100 loài “cây xâm hại”.
Quả cây này tạo thành chùm. Hạt khi xanh có thể ăn được và thường dùng làm thuốc tẩy giun. Khi quả chín, hạt chuyển màu nâu đen.
Cây có thể cao đến 20 m, sản xuất một lượng sinh khối lớn (tương đương 2–20 tấn vật chất khô/ha/năm). Nhân của hạt chứa hơn 20% dầu (được xem là năng lượng sinh học). Hạt là nguồn bổ sung protein cho gia súc sản xuất sữa, là nguyên liệu gôm (gum) thương mại tiềm năng.
Thành phần hóa học và dinh dưỡng
Bộ lá của Keo giậu (lá và cọng) có chứa dưỡng chất và chất thô, làm thức ăn cho loài nhai lại (có thể xem tương tự như cỏ alfalfa). Dạng acid amin của nó có thể xem như acid amin của khô đỗ tương và bột cá ở nhiều nước đang phát triển.
Hàm lượng khoáng và mimosine của keo giậu biến động nhiều qua các loài (ngay trong một loài, một cây, những thành phần này cũng khác nhau tùy điều kiện canh tác, giai đoạn sinh trưởng qua các bộ phận).
Lá và hạt keo giậu có chứa lipid, protein thô và carbohydrate. Trong hạt có tannin, acid oxalic và khoảng 17–20% dầu. Lá và hạt cũng có độc tố và chất phi protein gọi là mimosine.
Thành phần của Keo giậu (từ nhiều tác giả):
Trong lá (tính theo % chất khô): Protein thô: 20,6–26,7%; Carbohydrate: 40,0%; Khoáng tổng số: 4,6– 14,7%; Xơ thô: 8,8–25,9%; Mỡ thô: 5,10–5,46%; Calcium: 0,75–2,36%; Phosphor: 0,10–0,23%; Tannin: 2,7–4,0%; Mimosin: 1,89–7,19%; Cellulose: 16,7–23,23%; Beta-carotene: 536,0 mg/kg; Năng lượng thô: 16,5–20,1 kJ/g; Trong hạt (tính theo % chất khô): Nước: 14,8%; Protein thô: 31,1–46%; Carbohydrate: 45,0%; Chất béo: 8,68%; Xơ thô: 22,59%; Khoáng tổng số: 4,2%; Calcium: 4,4%; Phosphor: 0,23%; Một số acid amin, như: 1,39% lysine; 0,36% methionine; 0,35% cystine; 2,62% arginine; 4,63% acid glutamic; 0,87% threonine; 1,38% glycine; 1,11% alanine; 1,11% valine; 0,93% isoleucine; 1,81% leucine và 0,71% methionine + cystine. Nhân tố kháng dinh dưỡng: 1,2% tannin và 10% mimosine. Năng lượng trao đổi: 2573,26 kcal/kg.
Về Mimosine và một số mặt trái
Mimosine là chất kháng dinh dưỡng thuộc nhóm acid amin tự do, có công thức C8H10N2O4 và công thức triển khai:
Ngoài Mimosine, Tannin trong keo giậu cũng góp phần làm hạn chế sinh trưởng vật nuôi.
Keo giậu được sử dụng trong Y học (thuốc giảm đau, chống ung thư, tá dược, tẩy giun, thuốc tránh thai, thuốc gây sẩy thai, thuốc điều kinh . . .) và trong thực đơn của con người như là một loại rau xanh.
Tuy vậy, Mimosine (leucaenol, leucaenine) cũng có một số tác dụng không lợi, như:
Gây viêm nang lông dẫn đến gây rụng tóc (người), rụng lông bờm (ngựa) hoặc lông đuôi (bê). Chuột cống và chuột nhắt cũng bị hiện tượng này.
Một số vật nuôi sinh sản, nếu ăn lá keo giậu có thể ảnh hưởng đến sinh sản.
Với gia cầm, nếu cho ăn nhiều, có thể làm chậm thành thục tính dục, giảm khả năng đẻ, hoặc ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng.
Ức chế quá trình phân bào nguyên nhiễm và phá hoại quá trình keratin hóa (nhưng không gây ảnh hưởng đến quá trình hình thành melanine).
Sử dụng Keo giậu trong chăn nuôi thú y
Keo giậu còn được sử dụng trong chăn nuôi–thú y:
Lợi dụng Beta-carotene trong keo giậu, người chăn nuôi bổ sung keo giậu (với mức độ thích hợp) vào khẩu phần gà đẻ, gà broiler để tăng màu vàng lòng đỏ trứng hoặc làm cho thân thịt và da gà được “bắt mắt”, hấp dẫn thị hiếu người tiêu dùng. Đây là nguyên liệu “hữu cơ” (giống như ngô giàu carotene) hoàn toàn đảm bảo được tính an toàn sinh học thay cho chất nhuộm màu công nghiệp và là một ứng dụng có hiệu quả kinh tế cao.
Dê trưởng thành được bổ sung keo giậu vào khẩu phần vẫn cho sinh trưởng bình thường, chất lượng tinh dịch được cải thiện và khả năng thụ thai vẫn tốt. Điều này được giải thích do dê đực thích nghi với DHP (dihydroxy pyridone) nhờ vi khuẩn Synergistes jonesii trong dạ cỏ phân hủy thành (Vi khuẩn Synergistes jonesii có khả năng giải độc Mimosine và những chất chuyển hóa độc tố của chúng thành những hỗn hợp vô hại).
Có thể bổ sung (tối đa) đến 30% khẩu phần bằng lá keo giậu cho bò và kích thích tăng thêm khối lượng 32%.
Bổ sung 20% lá keo giậu vào khẩu phần nuôi cá trê Phi đã cho năng suất sinh trưởng và tăng khối lượng tốt hơn khẩu phần có dùng bột cá bổ sung protid.
Theo kinh nghiệm truyền thống, keo giậu được dùng để tẩy giun sán cho người và cho vật nuôi.
Dầu của hạt keo giậu có hoạt tính kháng lại cả vi khuẩn Gram+ và Gram-.
Vài giải pháp giảm độc tính của Mimosin trong Keo giậu
Để giảm tính độc của Mimosine, có thể:
Ngâm lá Keo giậu vào nước trong 3 ngày, sau đó vớt ra phơi nắng 3 ngày. Thiển nghĩ, cách này khá bất tiện. Trong thực tế ở nước ta, nhiều nơi thu hoạch lá Keo giậu và phơi nắng rồi nghiền thành bột để sử dụng.
Phơi nắng có điều lợi là tia tử ngoại (cực tím) làm ergosterin trong lá xanh chuyển thành vitamin D2. Nhưng khi phơi nắng, tia tử ngoại của ánh sáng mặt trời phá hủy phần lớn carotene trong keo giậu và làm cho lá khô chuyển thành màu đen. Vì vậy, trong sản xuất công nghiệp, người ta sấy nhanh ở nhiệt độ cao để giữ được màu vàng diệp lục và carotene bị tổn thất không đáng kể.
Bột keo giậu được chế biến thành viên hoặc bổ sung dưới dạng “hương liệu” có thể làm tăng tính “ngon miệng” của thức ăn, kích thích vật nuôi thu nhận thức ăn được nhiều hơn, giảm được lượng thức ăn thừa.
Lượng lá Keo giậu thích hợp và những bổ sung khác trong khẩu phần vật nuôi
Tính theo vật chất khô: Với gà: không nên vượt quá 5%, với lợn: không nên vượt quá 10%, với loài nhai lại: trong phạm vi 20 – 30%.
Với loài ăn cỏ: nếu cho ăn lá keo giậu tươi, nên bổ sung cỏ xanh khác.
Để khắc phục “mặt trái” của keo giậu, một số tác giả Anh quốc đề nghị bổ sung sulfate sắt và polyethylene glycol vào khẩu phần vật nuôi dựa trên giá trị năng lượng biểu kiến thấp của keo giậu."
PGS TS Nguyễn Tấn Anh