PGS. TS Nguyễn Thị Ái Nhung, 44 tuổi, đang công tác tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Năm 2023 chị được giải L’Oréal - UNESCO vì có đề án nghiên cứu khả năng kháng khuẩn và ức chế hội chứng bệnh từ cây dược liệu đặc hữu ở Việt Nam, tìm ra mối tương quan giữa hợp chất tự nhiên và cấu trúc protein.
Sinh ra và lớn lên tại Huế, chị cho biết có nhiều cây dược liệu mọc phổ biến và phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Thừa Thiên Huế. Chị và nhóm đã chọn cây gừng đen (Distichochlamys spp) cây trứng nhện (Aspidistra locii), cây tỏi đá Phong Điền (Aspidistra phongdiensis), bồ công anh Việt Nam... để nghiên cứu.
Cây gừng đen vùng phân bố ở rừng Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) và rừng Phong Điền đã được nghiên cứu, chứng minh có hoạt tính kháng khuẩn, kháng viêm, ứng dụng trị bệnh tiểu đường.
Cây tỏi đá Phong Điền được phát hiện vào đầu năm 2023 tại Thừa Thiên Huế. Đây là dược liệu quý, có nhiều dược chất có khả năng ứng dụng trong điều trị và hỗ trợ điều trị bệnh, khả năng ức chế vi khuẩn và hội chứng bệnh (Alzheimer, tiểu đường...).
Các nghiên cứu về cây bồ công anh cho thấy có dược chất taraxacum officinale có thể chống lại các khối u và hỗ trợ hệ tiêu hóa. Bên cạnh đó, trong cây bồ công anh cũng chứa nhiều inulin - một loại cacbohydrate tinh bột có lợi cho hệ vi sinh đường ruột và còn được gọi là prebiotics.
Hướng nghiên cứu của PGS Nhung nhằm sàng lọc các hợp chất tự nhiên từ một số cây dược liệu mới và đặc hữu tại Việt Nam và khảo sát chi tiết cấu trúc, tính chất hóa học, tính chất dược lý và hoạt tính sinh học của hợp chất tự nhiên. Kết quả nhằm xây dựng bộ dữ liệu về cấu trúc, tính chất của hợp chất tự nhiên tiềm năng trong ức chế vi khuẩn và một số hội chứng bệnh, hướng đến tổng hợp và bào chế thuốc đặc trị giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh
PGS Nhung cho biết muốn kết hợp hóa học ứng dụng cho các nghiên cứu sâu hơn về dược chất thiên nhiên, mục đích ứng dụng vào thực tế, chăm sóc sức khỏe người bệnh.
Vốn đam mê môn hóa học và nghiên cứu dược chất thiên nhiên, chị dành nhiều thời gian nghiên cứu khảo sát hoạt tính sinh học, khả năng kháng khuẩn và ức chế hội chứng bệnh của các hoạt chất tách chiết từ một số cây dược liệu đặc hữu ở Việt Nam, mục đích thay thế thuốc hiện hành.
Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Phó Tổng Giám đốc L’Oreal Việt Nam đánh giá nghiên cứu chiết xuất chất quý từ các cây đặc hữu của Việt Nam có khả năng kháng khuẩn bám sát đời sống thực tế. Các kết quả nghiên cứu tham vọng lớn đóng góp vào sự phát triển xã hội và chăm sóc sức khỏe con người.
PGS.TS Nguyễn Thị Ái Nhung hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất và Chuyển giao Công nghệ, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Công nghệ, Trưởng Bộ môn Hóa lý, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Chị đã công bố 37 công trình Quốc tế trong đó có 27 công trình đứng tên đầu, là đồng tác giả của 3 sách chuyên ngành, chủ nhiệm 4 đề tài nghiên cứu khoa học.