Thị trường thảo dược toàn cầu ước tính khoảng 135 tỉ USD vào năm 2022, sẽ đạt tới quy mô 178,4 tỉ USD vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 8,1% - theo Technavio. Các dự báo từ Công ty insightSLICE, tốc độ tăng trưởng còn cao hơn nữa.
Thảo dược “phát sáng” từ đại dịch
Bác sĩ Tú và khu vườn dược liệu Kim ngân hoa, từ đây đã làm ra các sản phẩm có mặt trên thị trường.
Technavio đưa ra dự báo này với nhận xét đại dịch đã khiến thị trường thảo dược nóng lên - tốc độ tăng trưởng khoảng 39,52 tỉ USD từ năm 2021 đến năm 2026. Hiện nay, thực phẩm chức năng chiếm 25,4% thị phần thảo dược toàn cầu. Phân khúc thực phẩm chức năng từ thảo dược có thể đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 7,9% trong 7 năm tới, theo báo cáo nghiên cứu thị trường thuốc thảo dược về tác động hậu COVID-19 trên thị trường.
Báo cáo này bao gồm nhiều phân khúc thị trường thuốc từ thảo dược, phân tích theo sản phẩm (viên nang và viên nén, bột, cao chiết, xi-rô và các loại khác) và theo địa lý (châu Á, Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Đông) gắn với một số nhà cung cấp như Arizona Natural Products, Arkopharma Laboratories, Bio Botanica Inc., Blackmores Ltd., Dabur India Ltd., Himalaya Global Holdings Ltd., Hishimo Pharmaceuticals Pvt. Ltd., Ricola Ltd., Schaper và Brummer GmbH và Co. KG, và ZeinPharma Germany GmbH cùng với những công ty khác.
Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và học giả hàng đầu đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu về nhiều khía cạnh của y học và cây thuốc bền vững. Tuy những dự báo với những con số khác nhau, nhưng điểm giống nhau là tốc độ tăng trưởng rất cao.
Đông y thế hệ 2 là xu hướng tất yếu trong sự phát triển của thuốc dược liệu, đặc biệt là ở các quốc gia có nền y học cổ truyền lâu đời như Việt Nam. Tại Việt Nam, các sản phẩm thuộc thế hệ thuốc Đông y 2 được phát triển từ những bài thuốc dân gian, gia truyền… được các nhà máy dược phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn GMP-WHO và được nghiên cứu lâm sàng tại nhiều bệnh viện lớn trên toàn quốc. Đặc biệt, nở rộ trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Tại Trung Quốc, hồi tháng 2-2022, Hội nghị Phát triển ngành Dược Trung Quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Bắc Kinh, thu hút 18/47 viện sĩ là cố vấn học thuật, có chủ đề “Đồng lòng cùng nhau chung sức thúc đẩy sự phát triển vĩ đại của ngành Dược Trung Quốc”, bàn thảo 5 vấn đề mấu chốt: phòng ngừa và kiểm soát được bệnh tật, tạo ra thuốc mới và công nghệ tiên tiến, giám sát khoa học đối với dược phẩm, chuyển đổi và công nghiệp hóa các thành quả nghiên cứu thuốc, nghiên cứu lâm sàng và ứng dụng thuốc vào đời sống.
WHO tiên đoán ngành công nghiệp dược, đặc biệt là thảo dược đang tăng trưởng với tốc độ 15%/năm do người dân trên toàn cầu nhận ra ưu điểm của thảo dược là an toàn, hiệu quả, lành tính và giá cả phải chăng.
Đừng phụ lòng người xưa
Từ những năm 60 thế kỷ trước, GS.TS Phạm Hoàng Hộ, Viện Trưởng đầu tiên của Viện Đại học Cần Thơ, quê quán xã An Bình, Cần Thơ, đã nghiên cứu, định danh và xuất bản bộ sách Cây cỏ Miền Nam (Ḟlore du Vietnȧm, au sud du 17è parallèle).
Từ sau 1975, GS.TS Phạm Hoàng Hộ đã cập nhật nhiều loài cây cỏ ở miền Bắc, bổ sung vào danh mục, nâng tổng số lên khoảng 12.000 loài. Tất cả được mô tả công phu theo các tiêu chí khoa học.
Bộ sách Cây cỏ Việt Nam được xuất bản năm 1999, các nhà khoa học thừa nhận đây là bộ tài liệu tham khảo có ích cho hầu hết các nghiên cứu về thực vật ở Việt Nam. Bộ tài liệu này đã được dịch sang tiếng Anh: An Illustrated Flora of Vietnam.
Với 12.000 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc hơn 2.256 chi, 305 họ (chiếm 4% tổng số loài, 15% tổng số chi, 75% tổng số họ thực vật trên toàn thế giới), hệ thực vật cho thấy tiềm năng to lớn về tài nguyên dược liệu bản địa. “Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia đa dạng sinh học nhất trên thế giới”, nhóm nghiên cứu Hà Thúc Mịch, Đặng Thị Bích Hường (Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ), khẳng định: Chỉ tính riêng các loại cây thuốc mọc tự nhiên đã có 3.948 loài. Khối lượng khai thác cây thuốc hằng năm đạt 20.000 tấn.
Theo Lương y Phùng Tuấn Giang, hiện nay, di sản Đông y tập hợp được 39.381 bài thuốc dân gian gia truyền của 12.531 vị lương y. Nhiều bài thuốc được các doanh nghiệp phát huy tiềm năng thương mại.
Thống kê chưa đầy đủ, cả nước có 400 xí nghiệp sản xuất từ dược liệu với quy mô khác nhau. Cục Quản lý y dược cổ truyền, Bộ Y tế, cho biết tổng giá trị sử dụng tại Việt Nam khoảng 5,14 tỉ USD (2018), trong đó chế phẩm từ vị thuốc (thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu) khoảng 440 triệu USD (chế phẩm từ dược liệu khoảng 330 triệu USD và vị thuốc khoảng 110 triệu USD). Mỗi năm, tổng giá trị nguyên liệu, dược liệu sản xuất thuốc 200 triệu USD (tương đương 50.000-60.000 tấn dược liệu).
Ở Việt Nam, thuốc từ cây dược liệu trong nước đóng góp ít nhất 30% nhu cầu, theo Bộ Y tế. Trong 200 cơ sở sản xuất thuốc cổ truyền, chế biến dược liệu cung cấp trên 2.000 chế phẩm cho các cơ sở khám chữa bệnh và sản xuất thuốc cổ truyền.
Tuy nhiên, chỉ có 13 nhà máy sản xuất thuốc cổ truyền đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GMP - WHO). Các doanh nghiệp phát triển dược liệu, các start up nói rằng cách định hướng và hành động cần làm rõ hệ sinh thái thúc đẩy nghiên cứu chuyên sâu, đầu tư khai thác đa dạng các loại dược liệu và phát triển thương hiệu.
Trong đó, cách khuyến khích phát triển vùng trồng dược liệu - không chỉ bù đắp khoảng trống do cách khai thác vô tội vạ nguồn dược liệu tự nhiên mà còn là cách thu hút cộng đồng nông nghiệp khôi phục vườn rau - cây thuốc, chủ động phòng bệnh trong cộng đồng và làm cho môi trường an toàn hơn.
Không thể chết trên đống thuốc! Ông cha từng dạy phòng bệnh hơn chữa bệnh, di sản Đông y vô giá cần được coi trọng, phát huy như một nguồn lực phát triển đất nước. Hiện nay, nhiều start up chọn hướng nghiên cứu một vài loại dược liệu chủ lực, bào chế thuốc, trà, thực phẩm chức năng… Tuy nhiên, phần lớn start up đều “tự lực cánh sinh”, khắc khoải về hệ sinh thái đủ mạnh để kích hoạt nguồn lực, thúc đẩy kinh tế thảo dược phát triển.
CHÂU LAN