Cây vù hương còn gọi là re hương
Gỗ xá xí là gì? Giá gỗ xá xị bao nhiêu 1kg? Cách làm gỗ xá xị thơm trở lại
Cây xá xị được biết đến là cây đặc sản đa tác dụng, có giá trị kinh tế cao. Cây cho gỗ tốt ứng dụng nhiều vào các ngành kinh tế mũi nhọn, thân và đặc biệt là rễ cho tinh dầu thơm dùng trong mỹ phẩm, dược phẩm và thực phẩm. Cây bị săn lùng và khai thác mạnh vì mục đích thương mại nên đứng trước nguy cơ bị diệt vong. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về loại cây đặc sản này.
Giới thiệu về gỗ xá xị
Cây xá xị có tên khoa học là Cinnamomum parthenoxylon Meisn (thuộc họ Nguyệt quế), còn được gọi là cây vù hương hay re hương. Tên xá xị được người dân phía Nam đặt vì mùi hương của loại cây này gần giống với mùi nước xá xị đóng chai.
Cây gỗ to, thường xanh, cao đến 30m, đường kính thân 70-90 cm, cành nhẵn, màu hơi đen khi khô.
Lá mọc cách, dài, hình trứng, dài 9-11 cm, rộng 4-5cm, thót nhọn về 2 đầu; gân bên 4-7 đôi, gân giữa phẳng ở mặt trên, lồi ở mặt dưới; cuống dài 2-3cm, nhắn.
Cụm hoa chùy ở nách lá, dài 6-12cm, phủ lông màu nâu; cuống hoa dài 1-3mm, phủ lông; bao hoa 6 thùy, có lông dài 1,5-2mm, thuôn. Nhị hoa hữu thu 9, chia 3 vòng, 2 vòng nhị ngoài không tuyến, chỉ có lông, nhị vòng thứ 3 có 2 tuyến, tuyến không chân, nhị lép 3, hình tam giác có chân; bầu hình trứng, nhẵn, vòi ngắn, núm hình đĩa. Quả hình cầu đường kính 8-10 mm, đính trên ống bao hoa hình chén.
Mùa hoa vào tháng 1-5, quả tháng 6-9. Cây xá xị mọc trong rừng rậm nhiệt đới thường xanh, ẩm trên núi đất hay núi đá vôi, ở độ cao 100-600 m.
Cây được phân bổ ở các vùng rừng nhiệt đới Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ,… Tại Việt Nam, cây xá xị chủ yếu phát triển ở các tỉnh như Cao Bằng, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Bắc Giang, Quảng Trị, Đà Nẵng.
Cây xá xị có nguồn gen hiếm. Gỗ cây tốt, không mối mọt, thường dùng trong xây dựng, làm tà vẹt, đóng tàu. Lá, vỏ và rễ cây có thể chiết tinh dầu. Chính vì mang lại giá trị kinh tế cao nên cây xá xị bị khai thác rất nghiêm trọng, hiện nay không còn tìm thấy cây trưởng thành.
(Tài liệu trích dẫn: Sách đỏ Việt Nam năm 2007 – phần thực vật – trang 253)
Gỗ xá xị là gì? Thuộc nhóm mấy?
Gỗ xá xị là một loại gỗ quý thuộc nhóm II trong 8 nhóm gỗ được phân loại tại Việt Nam, là dòng gỗ cao cấp, có giá trị cao. Vân gỗ mịn, bắt mắt, có màu đỏ sẫm, vàng nhạt pha một chút sắc xanh. Gỗ xá xị có 2 loại là xá xị đỏ và xá xị xanh, tính chất hoàn toàn giống nhau, chỉ khác nhau về màu sắc.
Gỗ xá xị đứng thứ 4 trong 6 loại gỗ thơm nhất Việt Nam (đứng sau Trầm Hương, Ngọc Am, Hoàng Đàng). Thân gỗ tiết ra tinh dầu, tỏa ra mùi thơm dịu nhẹ, dễ chịu.
Gỗ xá xị có tốt không?
Gỗ xá xị bền bỉ với thời gian, có đặc tính thích ứng với môi trường cao. Dưới tác động của nhiệt độ môi trường cao, thân gỗ sẽ tiết ra tinh dầu để điều tiết gỗ, tránh tình trạng nứt nẻ hoặc mối mọt.
Gỗ xá xị có tình thẩm mỹ cao với đường vân sắc nét cùng màu sắc tươi sáng. Chính vì vậỵ, gỗ thường được dùng làm sản phẩm nội thất cao cấp, sang trọng.
Đặc điểm nổi bật nhất của gỗ xá xị là hương thơm tự nhiên tỏa ra từ thân gỗ. Hương thơm dịu nhẹ giúp người sử dụng có tinh thần thoải mái, xua tan mệt mỏi, căng thẳng. Hương thơm cũng xua đuổi các loại côn trùng như muỗi, gián, kiến… Trước đây, gỗ xá xị được sử dụng để lấy tinh dầu, lá và củ được khai thác để làm thuốc chữa bệnh.
Giá gỗ xá xị bao nhiêu 1kg?
Với những ưu điểm nổi trội kể trên, gỗ xá xị có giá thành khá cao. Hiện nay, mức giá gỗ xá xị được bán ra với nhiều giá khác nhau tương ứng với các loại gỗ đẹp, gỗ tạp. Một chiếc bàn trà gỗ nguyên tấm có thể có giá lên tới chục triệu hoặc trăm triệu.
Đối với loại gỗ xá xị cao cấp, khi bán ra thị trường có giá lên đến hàng chục tiệu đồng 1 kg. Tuy nhiên, do đây là dòng gỗ quý hiếm, bị cấm khai thác nên loại cao cấp rất ít. Gỗ xá xị trên thị trường chủ yếu là do người dân đi đào gốc xá xị để bán lại cho các xưởng mỹ nghệ, chế tác. Những gốc nhỏ mà đẹp có giá thành khoảng 500.000 – 1.000.000 đồng 1 gốc.
Ứng dụng của gỗ xá xị trong đời sống
Chế tác đồ thủ công mỹ nghệ, đồ trang sức phong thủy
Do gỗ xá xị có giá trị cao nên thường được sử dụng để chế tác sản phẩm phong thủy, tâm linh như tượng tượng phật Di Lạc, tượng Phúc Lộc, Thọ, tượng Thần Tài, vòng tràng hạt… Sử dụng và chế tạo gỗ cần đòi hỏi kỹ thuật cao, không phải ai cũng có thể làm được. Chế tạo gỗ cần chú ý tìm ra những vị trí tỏa mùi hương, và tránh tác động vào đó. Mặt khác những vị trí xấu xí, không bằng phẳng thì cần được xử lý tinh tế để che đi những khiếm khuyết.
Tết Nguyên Đán năm 2019, tại chợ hoa Tết ở thành phố Thanh Hóa, xuất hiện pho tượng mang tên Phúc Lộc Viên Mãn nặng 3,5 tấn, làm từ gỗ xá xị quý hiếm, thu hút sự chú ý của nhiều người. Bức tượng được chế tác cầu kỳ gồm: chính giữa là tượng Phật Di Lặc tượng trưng cho sự hạnh phúc, phía trên là cây tùng thể hiện sự trường tồn, xung quanh là những đứa trẻ tượng trưng cho con cái sung túc. Bức tượng này được chủ nhân đưa ra giá đúng 1,2 tỷ đồng. (trích dẫn thông tin và ảnh từ: doisongphapluat.com)
Sử dụng làm thuốc chữa bệnh
Theo Đông Y, gù hương có vị hơi đắng, cay, tính ấm. Rễ, thân có tác dụng ôn trung tán hàn, tiêu thực hóa trệ. Lá có tác dụng cầm máu, quả có tác dụng giải biểu thoát nhiệt. Cũng giống như long não, tinh dầu, dầu hạt được dùng chữa đau tê thấp.
Ở Trung Quốc, rễ và thân dùng để trị cảm cúm, cảm mạo, ăn uống không tiêu, bụng đầy trướng, đau dạ dầy, viêm khớp xương do phong thấp, tiêu hóa không bình thường, ho gà, lỵ. Còn lá dụng trị ngoại thương, xuất huyết, quả dụng trị cảm mạo, sốt cao, bệnh sởi.
Sử dụng làm đồ nội thất
Gỗ xá xị có tính thẩm mỹ cao, bền đẹp theo thời gian nên rất được ưa chuộng để sử dụng làm đồ nội thất như bàn ghế, tủ, vật trang trí… Tuy nhiên do đây là loại gỗ có giá trị kinh tế cao, quý hiểm nên không nhiều người có thể sử dụng được sản phẩm nội thất gỗ xá xị. Ứng dụng nội thất nổi bật nhất thường là bàn trà gỗ nguyên tấm.
Tại Đà Lạt, anh Nguyễn Văn Dũng, chuyên sản xuất đồ mỹ nghệ, sở hữu bộ bàn ghế độc nhất vô nhị làm từ gốc cây gỗ xá xị ngàn năm tuổi. (trích dẫn thông tin và ảnh từ zingnews.vn)
Cách giữ mùi thơm cho gỗ xá xị
Sản phẩm gỗ xá xị sử dụng một thời gian sẽ làm giảm dần mùi thơm, nguyên nhân là do tinh dầu trong gỗ tiết ra ngoài, gặp không khí nên kết tinh lại và bít các thớ gỗ. Để giải quyết tình trạng này, quý vị có thể sử dụng những cách đơn giản sau để lấy lại mùi thơm của gỗ.
Trường hợp sản phẩm gỗ xá xị mộc (không PU)
Dùng khăn sạch nhúng vào nước nóng, vắt thật khô. Sau đó, tiến hành lau sạch toàn bộ sản phẩm. Việc làm này giúp loại bỏ các lớp bụi bám vào bề mặt sản phẩm, hương thơm sẽ tỏa ra lại.
Nếu quý vị muốn có hương thơm đậm đà hơn, có thể dùng giấy nhám loại siêu mịn, chà nhẹ toàn bộ hoặc một phầm của sản phẩm.
Trường hợp sản phẩm được làm PU bóng, đẹp
Quý vị hay tìm xem trên tác phẩm có chỗ nào chưa PU (các nghệ nhân thường chừa lại 1 góc không PU để sản phẩm có thể tỏa ra mùi hương). Sau đó dùng tác động vật lý như khoan, chà giấy nhám loại “phá” không phải làm mịn, đục,… Kèm theo dùng khan sạch nhúng nước ấm vắt khô để lau toàn bộ sản phẩm.
Tuyết đối không sử dụng nước sôi và các loại hóa chất độc hại trực tiếp lên mặt gỗ, sẽ làm gỗ bị hư hỏng, biến chất.
Kết luận
Gỗ xá xị là loại gỗ quý hiếm, được những người sành gỗ, có điều kiện săn lùng. Tuy nhiên, do bị cấm khai thác nên các sản phẩm gỗ xá xị trên thị trường chủ yếu do sở hữu từ trước đây hoặc các gốc cây cũ được người dân khai thác. Với những ứng dụng tuyệt vời của gỗ xá xị, các nhà khoa học đang không ngừng nghiên cứu để lai tạo, nhân giống loại cây này.